Mến gửi thầy Gấu và các bố mẹ,

Khai bút đầu xuân, mình xin viết về MVA – một ngôi trường không trống trường, không thư viện sách giấy, chỉ có ông mõ làng cần mẫn, nhiều tâm tư, nhiều chữ. Email nào của ông cũng nhiều tự sự, nỗi niềm cho sự nghiệp giáo dục tiến bộ và mong thế hệ Việt tiếp theo bắt nhịp với thế giới.

Mình là một bà mẹ lười biếng. Mình chưa một lần chở con đi học thêm tiếng Anh, các môn tăng cường hay luyện chữ. Các con hoàn toàn thấm một cách tự nhiên tiếng Anh thông qua việc nghe, đọc, mỗi ngày một chút. Vì cũng có kế hoạch cho con học sao cho mẹ nhàn nhất, con vui học nhất, nên mình cũng đã cho các bé học chương trình online từ khi bé năm tuổi. Đến lúc này các chương trình học và chương trình bổ trợ của MVA có thể ví như một bữa tiệc buffet ngon nhất, đặc sắc nhất, nhiều bất ngờ nhất mà mình và các con lựa chọn. Học tập thông qua tấm gương là cách giáo dục gián tiếp. Tuy nhiên việc học tập vẫn phải xuất phát từ động lực nội tại của mỗi đứa trẻ. Vì thế, kinh nghiệm của bản thân mình là nếu không ngồi bên con hàng ngày được, không đưa đón con đi học thêm được, thì hãy trao cho con công cụ, trao niềm tin cho chính mình và cho con rằng: CON SẼ LÀM ĐƯỢC!

Mình là một bà mẹ bàng quan, điều mà mình mới tự nhận ra khi con mình học lớp 5 MVA mới kể lại là khi bạn ấy học lớp 1 ở trường công, cô kẻ thước vào tay con, cô giảng nhanh như thể cả lớp biết hết rồi, con không biết làm bài và bị cô phạt. Có những lúc con sợ phát run lên. Nhưng mình lại biện hộ cho bản thân là ai rồi cũng có nỗi sợ hãi. Mình, 45 tuổi, vẫn thi thoảng hoảng hốt thức dậy giữa đêm, tim đập nhanh, mồ hôi lã chã vì quên không làm bài tập, đi thi muộn, thi trượt vv. Cảm giác bị đối xử không công bằng hay nỗi sợ hãi rình rập là cảm giác có vẻ như tiêu cực nhưng cũng chính là động lực, là đòn bẩy cho sự nỗ lực của các con. Mình tin thế.

Sau thời gian học hoàn toàn homeschool, mình nhận thấy con cái mình đã biến một bà mẹ đã lười biếng trở thành một bà mẹ lười biếng “lầy lội”. Nhiều khi đi làm về muộn đói quá, mình mở nồi cơm ra để ăn thì không còn lấy một hạt vì trẻ con đã tự nấu ăn và ăn hết để kịp học MVA, không để cho mình một hạt cơm nào. Mỗi ngày, các con biết thêm một chút việc nhà: nấu ăn, rửa bát, quét nhà, kỳ cọ toilet, đi siêu thị, và mấy hôm rồi các bạn đã biết gọt táo, gọt xoài. Mình còn muốn dạy các bạn biết đi chợ truyền thống, gặp và nói chuyện với nhiều người lao động vất vả để thấy cuộc sống nhiều màu sắc ngoài kia không chỉ có những thứ đẹp đẽ hào nhoáng xung quanh mình.
Ngược lại, mình là một bà mẹ ham vui. Thấy con mình nhảy múa, làm trò, tập yoga, bơi như cá, nói chuyện về lớp bóng đá, lớp cờ vua với vẻ mặt vui tươi hào hứng là lòng mình thấy rất bình yên. Cuối tuần, hay trong bữa ăn tối khi cả nhà có thời gian ngồi cùng nhau, để làm vui cho mẹ, con mình kể truyện cười về các cô gái tóc vàng hoe, về tích các nhân vật trong truyện thần thoại Hy Lạp, về nguồn gốc quần áo của ông già Noel, về loài đà điểu EMU trong Safari, tên các con thú trên cạn, dưới nước, bò sát về thế giới mà các con được học, được đọc. Được vui và mở mang đầu óc nhờ chính các con của mình, tại sao lại không nhỉ?

 

Mình gần như trở thành một bà mẹ đi ở nhờ nhà của mấy đứa con vì chúng nó mới là chủ ngôi nhà ấy. Chúng nó tự do với các hoạt động trong ngày. Chúng luôn có chương trình cho cuối tuần, cũng tự chủ về thời gian hơn mình. Mình có cảm giác ghen tị với tụi nó vì trong lúc mình đang làm việc căng như dây đàn, đi bộ trong bệnh viện cả đêm, thì tụi nó đi offline với các cô các bác trong hội phụ huynh MVA và bạn bè, đi gặp nhóm MVA fulltime, đi thưởng thức món ăn, nhảy múa, bơi lội, chơi cờ vua vv. Nếu có nhàm chán với máy tính thì chúng đọc sách giấy trong một hiệu sách gần nhà. Mình ước được bé lại để được như tụi trẻ. Thế nên lâu nay, mình hay tủi thân, nhớ lại tuổi thơ với bao nhiêu ký ức về thiếu thốn, đói khổ từ vật chất đến tinh thần.

Xã hội thay đổi quá nhanh. Mình đôi khi thấy hoang mang, không biết chọn lối nào khi ngoài kia có quá nhiều chia sẻ từ một thế giới phẳng tưởng như không có khoảng cách. Mình tin tưởng ở triết lý về giáo dục, về con người, về sự tự do, về hạnh phúc của MVA. Mình hy vọng nó sẽ không thay đổi theo thời gian. Mình hi vọng MVA vẫn ổn định và lớn mạnh bởi tâm huyết của các thầy cô trong hội đồng nhà trường và sự tin yêu của các gia đình tích cực, đổi mới tư duy về việc học như chúng mình.

Hiện tại, mình và ba bé đang hỗ trợ một em bé lớp 1 ở một vùng quê. Bé chịu ngồi học lại các chương trình bài giảng của cô mỗi tối sau giờ đi học trường làng là một thành công lớn của gia đình mình vì mình không bao giờ đặt ra quá nhiều mục tiêu rồi lại khổ sở với cái bẫy của chính mình.

Chúc cộng đồng Minh Việt ngày càng vững mạnh, kiên định với sự lựa chọn của mình.

Bài chia sẻ của mẹ Bùi Hạnh Tâm

Ngày 25/1/2020