Thời trẻ lang thang mình đã quen thuộc với Đại học Mỹ ở Cairo (AUC), Đại học Mỹ ở Beirut (AUB), và mình sống ở DC nơi có Đại học Mỹ thật. Cả bà xã và em vợ mình đều học Đại học và/hoặc Cao học từ AU ra.

Có nhiều Đại học Mỹ ở nhiều nước trên thế giới, tất cả đều đi theo một mô hình cũ là mang nền giáo dục khai phóng của Mỹ đến tận nơi cho các cộng đồng bản địa. Thời xửa xưa việc đi lại từ các vùng xa xôi tới Mỹ là việc khó khăn, chỉ gia đình giàu có mới làm được. Mang giáo dục đến tận những vùng đất xa để tạo ra những trung tâm học thuật để kích thích sự học địa phương là giải pháp tốt nhất để cho nhiều người có thể học tập với chương trình chất lượng cao mà không phải chịu các chi phí của việc di chuyển xa xôi.

Hôm nay mình cho rằng mô hình này đã cũ vì vài lý do.

Thứ nhất, công nghệ phát triển khiến việc truyền thụ kiến thức qua những khoảng cách lớn trở nên quá dễ dàng. Người ta không cần xây trường Đại học Mỹ lớn ở Peru chẳng hạn để truyền đạt một nền giáo dục khai phóng cho sinh viên bản địa. Người ta chỉ cần tài khoản Zoom.

Thứ nhì, việc đi lại bằng máy bay trên khắp thế giới giờ cũng đã trở nên vừa túi tiền đa số mọi người. Từ Việt Nam bay đi Mỹ có lúc giá vé một chiều chỉ khoảng $500, là số tiền đa số người ta chịu được.

Thứ ba, thế giới càng kết nối thì kiến thức của nền giáo dục tiên tiến của Mỹ hay của bất kỳ đâu khác đã được bình thường hóa, đồng bộ hóa ở gần như tất cả mọi nơi. Người ta có thể học kiến thức Mỹ ở bất kỳ đâu, online hay offline. Thứ mà người ta không học dễ là một trải nghiệm đời sống Mỹ, doanh nghiệp Mỹ, nền kinh tế Mỹ, môi trường các giá trị Mỹ (nếu có) được vận dụng. Kiến thức Mỹ mà tách rời khỏi trải nghiệm Mỹ thực ra cũng giống như đồng xu chỉ có một mặt, tức là không toàn hảo, trọn vẹn.

Mình cho rằng các thanh niên ở bất kỳ đâu vẫn cần phải đi ra thế giới vài năm trước khi quay về lại quốc gia quê hương. Đây là cách tốt nhất để tạo ra hiệu ứng bình thông nhau cho những thứ không thể truyền thụ được bằng lời nói, chữ viết. Các bạn thanh niên ra thế giới sẽ mang về quê nhà những chiều kích của cảm quan mở rộng khiến cho cái gì các bạn ấy làm về sau cũng chất chứa tinh thần thế giới mà người chưa trải qua cảm nhận được nhưng không biết bắt đầu mô phỏng từ đâu.

Với những suy nghĩ đó, mình xác định là trái với xu hướng lâu nay là cổ súy cho việc mở các đại học Mỹ ở Việt Nam thì giờ là lúc cần mở đại học Việt Nam ở Mỹ để giúp các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội sang Mỹ học tập và cạnh tranh, và ai có sức học tốt, có ý chí quyết tâm sẽ ở lại và trèo lên các đỉnh cao ở Mỹ.

Sáu tháng nay, mình đã bắt đầu tìm hiểu khả năng hiện thực hóa suy nghĩ này. Hiện nay mình dự tính là kế hoạch này nếu thực hiện sẽ có hai giai đoạn, hai giai đoạn có thể xảy ra đồng thời. Giai đoạn thứ nhất là hợp tác với các đại học Mỹ để mở chương trình cho các học sinh Việt Nam học hai năm. Giai đoạn hai là mở một trường có chương trình cầu nối hai năm cho các bạn Việt Nam học tập trước khi nộp đơn vào tiếp các đại học Mỹ.

Môi trường giáo dục Mỹ rất cởi mở với các ý tưởng mới. Mình đã bắt đầu thảo luận với vài đối tác tiềm năng theo cả hai hướng mở chương trình Minh Việt hợp tác và Minh Việt Đại học. Mình hiện đang nhắm đến các địa điểm bên ngoài Washington DC – ở bang Maryland nơi mình sống và là nơi mình có quan hệ tốt với chính quyền bang; và một nơi bên ngoài Chicago cách Thư viện Tổng thống Obama chừng vài miles.

Để một dự án thế này thành hiện thực chắc phải mất vài năm nhưng dự án khi hoàn thành có thể tiếp nhận 600-1000 sinh viên Việt Nam mỗi năm với chi phí học tập có lẽ chỉ quanh $10,000 đô/năm. Mấy năm tới mỗi năm mình sẽ có 300 học sinh MVA tốt nghiệp trung học và nếu dự án thành công (thành công hay không chỉ là câu hỏi mình có lười hay không), thì đây sẽ là một hướng đi tốt để học sinh Việt Nam có thời gian trải nghiệm cuộc sống Mỹ ở những nơi tân tiến, sôi động, văn minh, phát triển ở Mỹ.

Mình xin chia sẻ để các bạn cùng biết đường hướng phát triển của MVA.

Minh Việt University in Washington DC – MVU-DC

Đại học Mỹ ở Beirut

 

Nguồn: Theo bài chia sẻ của anh Gấu – Anh Phạm trên trang cá nhân

Ngày 12/5/2021.